Ăn thịt nội tạng động vật nên hay không?
Thịt nội tạng động vật là món ăn khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thường xuyên thịt nội tạng động vật rốt cuộc là có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe chúng ta. Hãy cùng Sức khỏe và công nghệ tìm hiểu về những mặt lợi, hại của thịt nội tạng động vật nhé!
Bạn có thích ăn thịt nội tạng động vật?
Gan heo xào, lưỡi heo luộc cuốn bánh tráng, tim heo kho tiêu, lòng nướng, cháo lòng… và hằng hà vô số những món ăn hấp dẫn được chế biến từ thịt nội tạng động vật mà các tín đồ sành ăn hiếm có thể bỏ qua. Tuy nhiên, một số người lại cho rằng thịt nội tạng động vật chẳng có gì ngon lại còn vô cùng nguy hại, vì chứa nhiều chất độc thậm chí là nguy cơ gây ung thư. Vậy thực tế nên hay không nên ăn thịt nội tạng động vật, có phải là triệt tiêu hoàn toàn món ăn này trong chế độ dinh dưỡng là một lựa chọn đúng đắn hay không?
Những giá trị lợi ích từ thịt nội tạng động vật
Một thực tế không thể phủ nhận là thịt nội tạng có thể coi là một nguồn chứa rất nhiều chất dinh dưỡng. Chất dinh dưỡng trong các nội tạng động vật là khác nhau, tùy thuộc vào loại động vật và loại nội tạng. Nhưng hầu hết các nội tạng đều cực kỳ bổ dưỡng, hàm lượng dinh dưỡng cao hơn thịt động vật.
Nội tạng đặc biệt giàu vitamin B, chẳng hạn như vitamin B12 và folate. Chúng cũng giàu khoáng chất, bao gồm sắt, magie, selen và kẽm, và các vitamin tan trong chất béo quan trọng như vitamin A, D, E và K. Ngoài ra thịt nội tạng là một nguồn protein tuyệt vời, cung cấp tất cả chín axit amin thiết yếu mà cơ thể bạn cần để hoạt động hiệu quả.
Một số loại thịt nội tạng thường được sử dụng trong chế biến như:
Gan: Gan là cơ quan giải độc. Nó được coi là cơ quan giàu dinh dưỡng nhất trong các loại thịt nội tạng, chúng còn được gọi là “vitamin tổng hợp tự nhiên”.
Lưỡi: Lưỡi cũng có thể coi như một dạng thịt cơ. Đó là một miếng thịt mềm và ngon do hàm lượng chất béo cao.
Tim: Tim động vật có vẻ trông như không ăn được, nhưng nó thực sự nạc và ngon.
Thận: Giống như con người, động vật có vú có hai quả thận. Vai trò của chúng là lọc chất thải và độc tố ra khỏi máu.
Não: Não được coi là một món ngon và là một nguồn axit béo omega-3 phong phú.
Dạ dày: Dạ dày cũng là một món nội tạng được cho là khá ngon và hấp dẫn
Một số bộ phận tiêu biểu như gan có nhiều vitamin A và D, quan trọng nhất là hàm lượng sắt rất cao, có thể phòng ngừa bệnh thiếu máu, mù màu, còi xương. Tim có hàm lượng natri thấp và rất nhiều chất sắt.
Thịt nội tạng và vấn đề làm tăng Cholesterol
Tuy nhiên, có một vấn đề gây mâu thuẫn là thịt nội tạng có làm tăng hàm lượng cholesterol hay không. Như ta biết, cholesterol trong cơ thể được sản xuất bởi gan. Khi bạn ăn thực phẩm giàu cholesterol, gan sẽ đáp ứng bằng cách sản xuất ít hơn. Do đó, thực phẩm giàu cholesterol chỉ có ảnh hưởng nhỏ đến tổng lượng cholesterol trong máu của bạn. Một phân tích gần đây đã tổng quan 40 nghiên cứu về tiêu thụ cholesterol trong chế độ ăn uống và nguy cơ sức khỏe, đã kết luận rằng cholesterol trong chế độ ăn uống không liên quan nhiều đến bệnh tim hoặc đột quỵ ở người trưởng thành khỏe mạnh.
Nhưng vẫn có một nhóm nhỏ nhạy cảm với cholesterol trong chế độ dinh dưỡng nên việc ăn quá nhiều thịt nội tạng có thể dẫn đến việc gia tăng tổng lượng Cholesterol trong cơ thể, ảnh hưởng ít nhiều đến huyết áp và tim mạch. Nên tốt nhất vẫn là kiểm soát mức độ dung nạp vào cơ thể các loại thịt nội tạng ở mức cho phép.
Thịt nội tạng và bệnh gút
Gút là một loại viêm khớp phổ biến. Nó gây ra bởi nồng độ axit uric trong máu cao, khiến khớp bị sưng và đau. Purin trong chế độ ăn uống hình thành axit uric trong cơ thể. Thịt nội tạng đặc biệt có hàm lượng purin cao, vì vậy điều quan trọng là phải ăn những thực phẩm này một cách điều độ nếu bạn bị bệnh gút.
Bên cạnh đó, trước đây có thông tin về bệnh bò điên, được biết đến chính thức là bệnh não xốp bò (BSE), ảnh hưởng đến não và tủy sống của gia súc.
Bệnh có thể lây sang người thông qua các protein gọi là prion, được tìm thấy trong não và dây cột sống bị ô nhiễm. Nó gây ra một bệnh não hiếm gặp gọi là bệnh CreutzfeldtTHER Jakob biến thể mới (vCJD).Vì vậy, để giảm nguy cơ rủi ro mắc bệnh thì bạn hãy tránh ăn các loại não và tủy sống từ động vật.
Thịt nội tạng có gây ung thư không?
Gần đây, một số kết quả nghiên cứu cho thấy nồng độ Neu5Gc cao đáng báo động ở tất cả các cơ quan nội tạng, đặc biệt là ở tim, lá lách, thận và phổi. Phân tử Neu5Gc được tìm thấy trên bề mặt tế bào của hầu hết các loài động vật có vú, trừ con người. Loài người chỉ tiếp nhận Neu5Gc từ một số loại thịt đỏ, nội tạng động vật. Cụ thể, khi Neu5Gc xâm nhập vào các mô trong cơ thể người, hệ thống miễn dịch nhận dạng nó như một mối đe dọa và sản xuất ra các kháng thể chống lại phân tử này. Việc tiêu thụ thường xuyên các loại thịt, nội tạng động vật có chứa Neu5Gc có thể gây ra tình trạng viêm mạn tính, làm tăng nguy cơ hình thành các khối u ung thư, bệnh tim mạch và cả một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác.
Mặc dù chưa có kết luận cụ thể định lượng Neu5Gc bao nhiêu có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch gây ra tình trạng viêm nhiễm nhưng việc tiêu thụ thường xuyên nội tạng động vật được cảnh báo nguy cơ bệnh ung thư cao hơn so với những người bình thường”.
KẾT LUẬN
Hầu hết nội tạng động vật đều an toàn nếu bạn sử dụng với tần suất thấp. Rủi ro là không đáng kể quá mức so với giá trị dinh dưỡng. Tuy nhiên, nguyên tắc vẫn là nên ăn vừa đủ. Nhưng với những ai thường xuyên ăn gan, thận, lòng… từ động vật, coi đó là món ăn hàng ngày thì nên cân nhắc về các nguy cơ sức khỏe. Đặc biệt, khi sử dụng chỉ nên mua nội tạng ở những cơ sở uy tín, có nguồn gốc rõ ràng; Chế biến đảm bảo vệ sinh, nấu chín kỹ. Tuyệt đối không được ăn nội tạng chưa nấu chín. Đặc biệt, đối với người già, người thừa cân, béo phì, người bị rối loạn mỡ máu hoặc mắc bệnh lý tim mạch tốt nhất không nên dùng các món ăn chế biến từ phủ tạng động vật.
Nếu có góp ý nào cần chia sẻ, hãy gửi thư cho chúng tôi qua email: suckhoecongnghe789@gmail.com nhé. Mọi đóng góp của quý bạn đọc luôn có ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi!
Discussion about this post