Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư được xem là giải pháp cứu cánh giúp bệnh nhân tận dụng và kích thích hệ miễn dịch của chính cơ thể trong việc kiểm soát bệnh ung thư và tăng khả năng sống của bệnh nhân. Điều trị miễn dịch sẽ kích thích hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư bằng nhiều cách khác nhau mà không dùng các phương pháp can thiệp khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.
Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong ung thư
Việc điều trị bằng hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể (hay Immunotherapy) được xem như một liệu pháp trị liệu ung thư thứ tư sau phẫu thuật, hóa trị, xạ trị.
Hệ miễn dịch đóng vai trò quan trọng trong cơ thể con người qua những cơ chế chống lại các tác nhân ngoại lai như virus hoặc vi sinh vật. Hệ miễn dịch được xem như một hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh cho cơ thể, đặc biệt trong bệnh lý ung thư. Nhưng mọi người có biết, hấu hết các loại tế bào ung thư đều có khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch, do đó các tế bào bướu ngày càng phát triển và có thể di căn đến bất kì cơ quan nào trong cơ thể. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy khi hệ miễn dịch của cơ thể bệnh nhân yếu đi thì khả năng mắc bệnh ung thư ngày càng cao. Do đó, việc tận dụng và kích thích hệ miễn dịch của cơ thể là một chìa khóa quan trọng trong việc kiểm soát bệnh ung thư, ngăn chặn quá trình phát triển bệnh và tăng khả năng sống còn của bệnh nhân.
Liệu pháp miễn dịch là một loại trị liệu sinh học giúp tăng cường hệ thống miễn dịch (được tạo nên từ các tế bào bạch cầu và các cơ quan, mô của hệ thống bạch huyết) chống lại ung thư. Phương pháp điều trị là sử dụng các tế bào được tạo ra từ các sinh vật sống để cải thiện hoặc khôi phục chức năng hệ thống miễn dịch.
Các tế bào ung thư có khả năng trốn tránh được sự phát hiện và kiểm soát của những tế bào miễn dịch trong cơ thể vì thế chúng không bị phát hiện và hệ miễn dịch không tiêu diệt được. Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư giúp chống lại cơ chế này của khối u bằng cách đánh dấu tế bào ung thư, kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra và tấn công các tế bào ung thư. Từ đó, làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư, ngăn tế bào ung thư lan rộng sang các cơ quan khác trong cơ thể và cải thiện hệ thống miễn dịch giúp tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả hơn.
Các liệu pháp miễn dịch được áp dụng
Kháng thể đơn dòng và liệu pháp ức chế khối u
Hệ miễn dịch sản xuất kháng thể để bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây hại cho cơ thể. Kháng thể là một protein giúp chống lại nhiễm trùng. Kháng thể đơn dòng là một liệu pháp đặc biệt được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Liệu pháp được thực hiện dưới nhiều cách khác nhau. Ví dụ, kháng thể đơn dòng có thể được sử dụng như một liệu pháp nhắm mục tiêu nhằm tiêu diệt các thành phần protein bất thường trong tế bào ung thư.
Kháng thể đơn dòng cũng có thể được sử dụng như một liệu pháp miễn dịch. Ví dụ, một vài kháng thể tấn công vào các protein đặc biệt trong tế bào ung thư. Đây là sự mở đầu trong việc tiếp cận tế bào ung thư giúp hệ miễn dịch tìm đường tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư.
Những con đường này thường được gọi là điểm kiểm tra miễn dịch mà các tế bào ung thư sử dụng để thoát khỏi hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch ngăn chặn các con đường này bằng cách sản xuất ra các kháng thể gọi là chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Một khi hệ thống miễn dịch có thể tìm và phản ứng với tế bào ung thư, nó có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự phát triển ung thư.
Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu
Giống như kháng thể đơn dòng, liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu cũng giúp hệ thống miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư. Hầu hết các liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu được đưa ra sau hoặc cùng lúc với các phương pháp điều trị ung thư khác, như hóa trị hoặc xạ trị. Tuy nhiên, một số liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu được đưa ra như là phương pháp điều trị ung thư chính. Hai liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu phổ biến là:
Interferon: Interferon giúp hệ thống miễn dịch chống lại ung thư và có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư. Tác dụng phụ của điều trị interferon có thể bao gồm các triệu chứng giống cúm, tăng nguy cơ nhiễm trùng, phát ban và rụng tóc.
Interleukin: Interleukin giúp hệ thống miễn dịch sản xuất các tế bào tiêu diệt ung thư. Nó được sử dụng để điều trị ung thư thận và ung thư da, bao gồm cả khối u ác tính. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm tăng cân và huyết áp thấp. Một số người cũng có thể gặp các triệu chứng giống như cúm
Thuốc ức chế chốt kiểm soát miễn dịch (Checkpoint Inhibitors)
Khi tế bào ở trạng thái bình thường, hệ miễn dịch của cơ thể chúng ta phụ thuộc vào các “điểm nhận biết” hoặc “điểm dừng miễn dịch” để tránh sự hoạt hóa quá mức hệ miễn dịch. Các tế bào bướu thường tận dụng các điểm nhận biết này để tránh sự phát hiện của hệ miễn dịch của cơ thể. CTLA-4 và PD-1 là những điểm nhận biết đã được nghiên cứu và được đưa vào sử dụng trong lâm sàng như một liệu pháp chống ung thư. CTLA-4 thường có trên bề mặt tế bào T và thường tăng điều hòa bất thường trong một vài loại ung thư chính. PD-1 cũng được nhận thấy làm tăng điều hòa trong một số loại ung thư, PD-1 làm ức chế chức năng của tế bào T và đồng thời, gián tiếp làm cho bướu có thể trốn thoát được sự kiểm soát của hệ miễn dịch. Ức chế các “điểm nhận biết” hay “giải phóng các hàng rào ngăn cản” là một liệu pháp hiệu quả có thể nâng cao khả năng đáp ứng của tế bào T và giúp cho các các tế bào hệ miễn dịch tấn công các tế bào bướu hiệu quả hơn. Hiện đã có các nghiên cứu chuyên sâu ở pha III với các loại thuốc đặc hiệu, một số thuốc đã được chấp thuận của FDA cho sử dụng trên lâm sàng với các kết quả đem lại cho thấy nhiều hứa hẹn trong tương lai.
Liệu pháp tế bào T
Tế bào T là tế bào miễn dịch chống nhiễm trùng. Trong liệu pháp tế bào T, các tế bào này được lấy ra từ máu bệnh nhân. Sau đó, việc thay đổi cấu trúc của chúng sẽ được thực hiện trong phòng thí nghiệm để có các protein, còn gọi là các thụ thể. Các thụ thể cho phép tế bào T nhận ra các tế bào ung thư. Sau khi được thay đổi, các tế bào T được đưa trở lại cơ thể bệnh nhân. Khi đó, chúng sẽ thực hiện công việc tìm kiếm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Loại trị liệu này được gọi là liệu pháp tế bào CAR-T.
Liệu pháp miễn dịch được thực hiện như thế nào?
Các con đường đưa vào cơ thể của liệu pháp miễn dịch có thể khác nhau tùy vào liệu pháp điều trị. Bao gồm:
- Tiêm tĩnh mạch (IV): Liệu pháp miễn dịch đi trực tiếp vào tĩnh mạch.
- Đường uống: Liệu pháp miễn dịch có trong viên thuốc hoặc viên nang mà người bệnh nuốt vào.
- Kem bôi da: Liệu pháp miễn dịch có trong một loại kem mà bạn chà lên da. Loại liệu pháp miễn dịch này có thể được sử dụng cho ung thư da giai đoạn sớm.
- Bơm hóa chất vào bàng quang: Liệu pháp miễn dịch đi trực tiếp vào bàng quang.
Liệu pháp miễn dịch có tác dụng phụ không?
Ưu điểm của liệu pháp miễn dịch là tính đặc hiệu và có tác dụng toàn thân, ít gây tác dụng phụ và thường an toàn; tuy nhiên, các liệu pháp miễn dịch trên vẫn còn gặp một số trở ngại như:
- Thường lệ thuộc đáng kể giữa tổng khối tế bào bướu và khả năng đáp ứng miễn dịch của cơ thể.
- Sự biểu hiện của các gen gây ung thư trong các tế bào của một khối bướu là không giống nhau.
- Một số tế bào bướu có khả năng tạo các yếu tố làm suy giảm hoặc ức chế đáp ứng miễn dịch.
Ngoài ra, các tác dụng phụ có thể xảy ra là một điều khó tránh khỏi ở các liệu pháp điều trị ung thư. Tác dụng phụ phụ thuộc vào từng loại liệu pháp miễn dịch sử dụng và phản ứng của cơ thể với từng loại liệu pháp đó. Tác dụng phụ phổ biến nhất là phản ứng của vùng da tại vị trí tiêm như là đau đớn, nổi phồng, nổi mẩn đỏ, gây ngứa hoặc phát ban. Bệnh nhân cũng có thể gặp các triệu chứng cảm cúm như sốt, cảm lạnh, chóng mặt, nôn mửa hoặc đau đầu, nhức mỏi, khó thở, nhịp tim và huyết áp thất thường,… Bên cạnh đó, còn có thể xảy ra ở một số trường hợp như chứng phù nước, tăng cân do trữ nước, nhịp tim cao, viêm dị ứng, tắc nghẽn xoang, tiêu chảy và nguy cơ mắc phải những bệnh nhiễm trùng khác.
Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy tác dụng phụ khi sử dụng liệu pháp miễn dịch là không đáng kể và an toàn với cơ thể bệnh nhân.
Nếu có góp ý nào cần chia sẻ, hãy gửi thư cho chúng tôi qua email: suckhoecongnghe789@gmail.com nhé. Mọi đóng góp của quý bạn đọc luôn có ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi!
Discussion about this post