Với những trường hợp đột quỵ, bên cạnh việc đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt thì việc sơ cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội giành lại sự sống cho người bệnh trong giây phút sinh tử cận kề.
Đột quỵ là gì?
Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não.
Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu. Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu tế bào sẽ chết.
Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ. Trong vòng vài phút, nếu không có các biện pháp tái lập tuần hoàn não để cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác (qua đường máu) cho các tế bào não, chúng sẽ bắt đầu chết (trung bình 1,9 triệu nơ-ron bị chết/phút) và tiếp diễn liên tục trong vài giờ.
Đột quỵ là trường hợp cần được cấp cứu càng nhanh càng tốt – điều trị càng sớm, càng giảm thiểu tổn thương não. Đối với bệnh nhân đột quỵ não do huyết khối, việc điều trị phải được tiến hành trong vòng 1 giờ đầu tiên.
Các dấu hiệu nhận biết sớm đột quỵ bao gồm: loạn ý thức, mê man, méo miệng, liệt nửa người, tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác, thị lực giảm dần, nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng. miệng mở khó, rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, tai ù, đột ngột tê cứng ở mặt, tay, chân tê cứng nửa người, đau đầu dữ dội, cảm thấy buồn nôn, tức ngực, khó thở…Thờ ơ với những dấu hiệu khởi phát đột quỵ sẽ khiến bạn trở tay không kịp khi bệnh nhân chuyển biến nặng hơn, để lại di chứng nặng nề thậm chí là tử vong nhanh hơn bao giờ hết.
Sơ cứu bệnh nhân đột quỵ đúng cách
Việc sơ cứu đột quỵ ngay từ giai đoạn khởi phát đúng cách và hiểu rõ những biện pháp thích hợp sẽ giúp bệnh nhân hạn chế nguy cơ tử vong, giảm biến chứng và tăng cơ hội hồi phục khi bắt đầu tiếp nhận điều trị y khoa. “Thời gian vàng” để cấp cứu tính từ triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ là sáu giờ. Thời gian tốt nhất là ba giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ.
- Nhiều người cho rằng nên giữ nạn nhân nằm yên , không di chuyển đợi đến khi tỉnh lại hay dần hồi phục mới đưa đi cấp cứu. Đây là một quan niệm sai lầm. Việc đầu tiên cần làm là nhanh chóng gọi cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Không trì hoãn vì bất cứ lí do nếu không sẽ đánh mất cơ hội cứu sống bệnh nhân.
- Trong thời gian chờ cấp cứu đến cần theo dõi chặt chẽ để kịp thời phát hiện các thay đổi bất thường về tình trạng của người bệnh. Nếu có dấu hiệu suy giảm ý thức hoặc hôn mê, nhanh chóng để phần đầu và lưng của bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể để phòng tránh bị sặc đường thở. Ở người bệnh hôn mê, khi nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt xuống họng, gây cản trở, bít tắc đường thở. Nếu bệnh nhân nôn trong khi đang nằm ngửa và ý thức không hoàn toàn tỉnh táo, sẽ dễ dàng hít phải các chất nôn vào phổi, gây tắc đường thở hoặc suy hô hấp, rất nguy hiểm. Do đó cần đặt bệnh nhân nằm nghiêng về một bên để các chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài.
- Mặc quần áo rộng, thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp của người bệnh. Trong trường hợp người bệnh ngừng tim thì tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực;
- Dùng khăn tay để quấn vào ngón tay trỏ và lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh. Trong trường hợp người bệnh bị co giật thì phải lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng không cho người bệnh cắn vào lưỡi;
- Ghi chú lại thời điểm người bệnh khởi phát biểu hiện đột quỵ bất thường;
- Khi nhân viên y tế đến thì nhanh chóng di chuyển người bệnh lên xe cấp cứu và chuyển đến bệnh viên ngay lập tức.
Những sai lầm tuyệt đối phải tránh khi sơ cứu người đột quỵ
Những cách sơ cứu sai lầm chẳng những không chỉ khiến bệnh chuyển biến trầm trọng hơn, nguy cơ tử vong cao hơn mà cho dù có điều trị kịp thời thì cũng để lại di chứng nặng nề ảnh hưởng đến cuộc sống bệnh nhân. Sau đây là những kiến thức sơ cứu sai cách mà chúng ta cần tuyệt đối tránh:
- Tuyệt đối không được tự ý điều trị cho bệnh nhân bằng các biện pháp dân gian dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, cắt lễ… Vì những động tác này không phải ai cũng có thể làm đúng và không phải áp dụng cho tất cả trường hợp đột quỵ, đồng thời chỉ làm chậm trễ việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn
- Không được cho bệnh nhân ăn uống để đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.
- Nhiều trường hợp người nhà bệnh nhân tự đo huyết áp, thấy huyết áp người bệnh cao đột ngột nên tự cho bệnh nhân uống thuốc hạ. PGS Cường lý giải, nhiều trường hợp người dân thấy huyết áp bệnh nhân tăng cao cho uống thuốc hạ huyết áp, việc làm này khiến huyết áp của bệnh nhân tụt xuống, càng làm cho dòng máu lên não yếu đi, khiến ổ nhồi máu nhũn não càng rộng hơn, tình trạng bệnh nhân càng diễn tiến xấu, di chứng nặng nề hơn.
- Bên cạnh đó, không nên di chuyển cấp cứu bệnh nhân bằng xe máy. Một bệnh nhân đột quỵ có thể do xuất huyết não hoặc nhồi máu não. Nếu vận chuyển bằng xe máy, đường đi gập ghềnh, áp lực nội sọ tăng cao thì tử vong là điều chắc chắn. Việc vận chuyển đúng cách là bước đầu làm giảm tỷ lệ tử vong.
Nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu, không nhất thiết phải đợi đi lên tuyến tỉnh. Bởi đối với tế bào não chỉ sau khoảng 3-5 phút không cung cấp đủ oxy và máu thì sẽ dẫn tới những tổn thương không hồi phục.
Giây phút sinh tử để giành lại sự sống cho bệnh nhân đặc biệt vô cùng quý giá. Việc trang bị cho bản thân kiến thức sơ cứu đúng cách sẽ giúp chúng ta có thể xử lí kịp thời, tăng cơ hội sống và đặc biệt là giảm bớt di chứng về sau cho bệnh nhân đột quỵ – điều vô cùng ý nghĩa cho bản thân người bệnh, gia đình và toàn xã hội.
Discussion about this post