Hầu hết người cao tuổi hiện nay đều mắc ít nhất 1 trong số những căn bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch, suy giảm trí nhớ, cơ xương khớp… Đây được xem là nỗi lo lắng không chỉ của người bệnh mà còn cả người thân và gia đình của bệnh nhân. Vì vậy, việc kiểm soát tốt các bệnh mạn tính sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi.
Bệnh mạn tính là gì?
Bệnh mãn tính hay mạn tính được Trung tâm thống kê Y tế quốc gia Hoa Kỳ định nghĩa là một căn bệnh tồn tại trong thời gian dài, khoảng từ 3 tháng đến nhiều hơn 1 năm. Nhìn chung, các bệnh mạn tính không thể phòng ngừa được bằng vắc-xin hay chữa khỏi bằng thuốc, cũng không thể tự khỏi. Tuy nhiên bạn vẫn có thể sống chung với bệnh và kiểm soát các triệu chứng hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh cũng có thể trải qua các chu kỳ như phát triển nặng, được kiểm soát hoặc ổn định. Thông thường bệnh mạn tính sẽ xuất hiện ở người cao tuổi từ 50, 60 trở lên.
Các bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi?
Đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, viêm cơ xương khớp, suy giảm trí nhớ, mất ngủ… là những căn bệnh mạn tính đeo đuổi người cao tuổi và khiến bệnh nhân phải “chung sống” đến hết đời với nó. Dĩ nhiên, khi mắc bệnh mạn tính dù ít hay nhiều vẫn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống người cao tuổi, mức độ nặng nhẹ sẽ tùy thuộc vào tình trạng từng người. Bên cạnh đó, các bệnh mãn tính nếu trở nặng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm hơn thậm chí dẫn đến đột quỵ, tử vong. Vì vậy việc kiểm soát các bệnh mạn tính là một vấn đề vô cùng quan trọng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống người cao tuổi cũng như đề phòng những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Bệnh huyết áp
Bệnh huyết áp là một “sát thủ thầm lặng”. Huyết áp là áp lực lên thành mạch máu khi máu tuần hoàn khắp cơ thể. Tăng huyết áp có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận… Do đó, người cao tuổi nên thường xuyên kiểm tra huyết áp, tập thói quen sinh hoạt lành mạnh và uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Khi đo huyết áp, kết quả sẽ hiển thị hai chỉ số, chỉ số đầu tiên là huyết áp tâm thu (số phía trên), chỉ số thứ hai là huyết áp tâm trương (số phía dưới). Huyết áp được xem là bình thường ở người trưởng thành là khoảng 120/80 mmHg (milimet thủy ngân).
Phân độ tăng huyết áp theo Hội Tim mạch và Huyết áp Châu u (ESC/ESH) năm 2018:
- Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg.
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu 120-129 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 80-84 mmHg.
- Huyết áp bình thường cao: Huyết áp tâm thu 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 85-89 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 90-99 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu 160-179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương 100-109 mmHg.
- Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 110 mmHg.
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg.
Cách kiểm soát huyết áp:
Thừa cân có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Người tăng huyết áp nên lưu ý và thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh – hợp lý. Một chế độ ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc và các sản phẩm từ sữa có thể giúp giảm huyết áp. Bên cạnh đó, rau củ chứa một số chất có khả năng làm hạ huyết áp, bao gồm kali, ma-giê và canxi. Ăn nhiều rau củ có thể giúp giảm huyết áp.
Bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường (tiểu đường) là một bệnh mạn tính xảy ra khi tuyến tụy không còn đủ khả năng tạo ra insulin. Hoặc khi cơ thể bạn không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả, điều này dẫn đến làm tăng nồng độ glucose trong máu. Khi nồng độ glucose tăng cao kéo dài sẽ làm tổn thương nhiều hệ cơ quan trong cơ thể (còn gọi là biến chứng). Có 3 loại tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai kì. Thông thường người cao tuổi sẽ mắc phải tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 và thường được chỉ định điều trị bằng thuốc/ tiêm insulin
Bên cạnh việc kiểm tra xét nghiệm đường huyết định kì để theo dõi bệnh, bạn cần xây dựng một lối sống lành mạnh: Chọn những thực phẩm lành mạnh: ăn nhiều rau xanh, trái cây, những thực phẩm ít dầu mỡ, tập thể dục mỗi ngày, giảm cân nếu bạn đang dư cân hoặc béo phì, ngưng hút thuốc lá, ngưng uống rượu…và hạn chế căng thẳng.
Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch là một bệnh mạn tính nhưng lại là nguyên nhân hàng đầu gây ra đột quỵ, đang trở thành mối lo ngại hàng đầu của các quốc gia. Quả tim của người cao tuổi thường to hơn và chiếm một thể tích lớn trong lồng ngực. Lúc này hệ thống các nút xoang, phát xung điện điều chỉnh nhịp tim cũng bị ảnh hưởng bởi những biến đổi giải phẫu. Các van tim bị calci hóa và trở nên xơ cứng, dẫn tới ngăn cản khả năng đóng khít và gây ra bệnh lý về van tim.
Những bệnh về hệ tim mạch thường gặp như bệnh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, các bệnh van tim như hở van hai lá, van ba lá,… Để ngăn ngừa lão hóa và có một trái tim khỏe mạnh, người cao tuổi cần luyện tập thể dục thường xuyên, và thăm khám định kỳ để chẩn đoán sớm những biến đổi bệnh lý.
Bệnh thóa hóa khớp
Viêm khớp, thoái hóa khớp và các tình trạng liên quan là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất khả năng vận động. Mặc dù có nhiều biện pháp can thiệp để viêm khớp hiệu quả cho người cao tuổi nhưng việc sống chung với những cơn đau nhức xương khớp kinh niên quả thật vô cùng khó khăn ở người cao tuổi.
Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải mang lại rất nhiều lợi ích cho những người bị viêm khớp, giúp họ giảm đau khớp và cứng khớp, xây dựng cơ bắp khỏe mạnh quanh khớp, cũng như tăng tính linh hoạt và sức bền. Bênh cạnh đó, người cao tuổi cũng được khuyến khích tham gia luyện tập để giúp chậm lại quá trình lão hóa ví dụ như: khiêu vũ, tập dưỡng sinh,…
Hi vọng nếu bạn độc đang là con cháu có ông bà, cha mẹ đang mắc phải những căn bệnh mãn tính trên sẽ có thêm thông tin tham khảo trong quá trình chăm sóc, phụng dưỡng các bậc lão niên để các cụ có thể vui vẻ, khỏe mạnh, an tâm tận hưởng tuổi già bên gia đình.
Discussion about this post