Ung thư cổ tử cung là căn bệnh phổ biến và gây tử vong hàng đầu ở nữ giới trên toàn cầu. Tuy nhiên đây là căn bệnh có thể phòng ngừa thông qua việc tiêm chủng cũng như thực hiện các cuộc kiểm tra sức khỏe phụ khoa tầm soát ung thư định kì.
Ung thư cổ tử cung và những “con số biết nói” đầy báo động
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phụ khoa rất phổ biến và gây tử vong cao hàng đầu ở phụ nữ hiện nay. Trên toàn cầu mỗi năm có khoảng 270.000 bệnh nhân ung thư cổ tử cung tử vong. Tại Việt Nam, hàng năm có đến hơn 6000 phụ nữ phát hiện bị ung thư cổ tử cung và cứ mỗi ngày thì có 9 phụ nữ chết vì căn bệnh này. Cùng với ung thu vú thì ung thư cổ tử cung là 2 nỗi ám ảnh lớn nhất của phụ nữ trong độ tuổi từ 35 trở đi. Tuy nhiên, một số thống kê cho thấy độ tuổi mắc bệnh ung thư cổ tử cung cũng đang có dấu hiệu trẻ hóa dần.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung được bao phủ bởi một lớp mô mỏng – lớp mô này được tạo thành từ các tế bào. Ung thư cổ tử cung là do các tế bào ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung) bắt đầu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể gây ra. Các tế bào mới này phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung không xảy ra đột ngột mà âm thầm trải qua các giai đoạn từ nhiễm HPV, đến những bất thường ở cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, kéo dài trung bình từ 10 – 15 năm. Trong thời gian này, các tế bào ở cổ tử cung sẽ biến đổi một cách bất thường do sự thay đổi môi trường âm đạo hoặc do nhiễm virus HPV – đây là nguyên nhân phổ biến nhất. Sự biến dạng của những tế bào này xảy ra trước khi ung thư xuất hiện được gọi là loạn sản hoặc viêm lộ tuyến cổ tử cung (CIN).
Thông thường ở giai đoạn tiền ung thư hầu như không có triệu chứng gì, do đó chị em không nhận biết mình mắc bệnh nếu không đi khám phụ khoa. Đến khi phát hiện thông thường đã ở giai đoạn muộn nên điều trị vô cùng khó khăn.
Nhiều trường hợp buộc phải cắt bỏ tử cung hoặc xạ trị gây mất chức năng tử cung và buồng trứng, đồng nghĩa với việc suy giảm chức năng tình dục và mất khả năng sinh con của người phụ nữ. Nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nặng hơn, gây ra các biến chứng trầm trọng do kết quả của u xâm lấn các cơ quan lân cận như suy thận, phù chân, thiếu máu nặng hoặc do bệnh di căn đến ác cơ quan khác như phổi, gan, xương…
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Hiện nay, với nền y khoa ngày càng hiện đại và tiến bộ, bệnh ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi được nếu phát hiện sớm. Càng được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa khỏi (bệnh nhân sống khỏe mạnh trên 5 năm) và khả năng bảo tồn chức năng sinh sản càng cao. Còn nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn thì sẽ rất khó chữa trị.
Vì vậy việc nhận biết các dấu hiệu ung thư cổ tử cung để thăm khám và điều trị kịp thời ở giai đoạn càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng.
- 80% người bệnh xuất hiện tình trạng xuất huyết âm đạo bất thường, đặc biệt là sau khi giao hợp hoặc khi đang làm việc nặng dù không phải chu kì kinh nguyệt
- Vài trường hợp mãn kinh đã lâu, nhưng âm đạo đột nhiên ra máu bất thường.
- Vùng bụng dưới hoặc lưng thường đau mỏi, mức độ tăng lên trong kỳ kinh nguyệt hoặc khi đi vệ sinh.
- Khí hư ra nhiều, màu sắc bất thường và có mùi khó chịu.
- Một số ít trường hợp khi bệnh ở giai đoạn trễ sẽ có những triệu chứng rò phân hoặc nước tiểu qua ngã âm đạo
- Tuỳ vào những vị trí lan tràn, di căn khác nhau mà bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau, chẳng hạn như ho, đau ngực, đi tiểu ra máu, xuất huyết trực tràng. Nhiều bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như tiểu nhiều, đau buốt khi tiểu tiện và tiểu ra máu thì thường được chẩn đoán nhầm là viêm nhiễm đường tiết niệu trong một thời gian dài và làm giảm khả năng chữa khỏi bệnh ung thư cổ tử cung.
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung như thế nào
Ung thư cổ tử cung nguy hiểm nhưng chị em phụ nữ hoàn toàn có thể phòng ngừa hiểm họa này.
Có 2 cách phòng ngừa là tiêm vắc xin để phòng nhiễm các tuýp HPV gây ung thư cổ tử cung và khám tầm soát ung thư cổ tử cung bằng phết tế bào cổ tử cung định kỳ cho những phụ nữ đã có quan hệ tình dục. Việc phòng ngừa đạt kết quả cao nhất khi kết hợp 2 phương pháp này.
Hiện nay tại Việt Nam đã có vắc xin ngừa những tuýp HPV gây ung thư phổ biến nhất, được tiêm cho phụ nữ từ 10 đến 25 tuổi, kể cả người chưa và đã có quan hệ tình dục đều có thể tiêm. Bên cạnh đó những chị em đã có gia đình cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát bằng phương pháp phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) định kỳ, ít nhất 1 năm/ 1 lần, để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh.
Tài liệu tham khảo số liệu: WHO/ICO Information Center on HPV and Cervical Cancer (HPV information Center). Human Pappilomavirus and related cancers in Vietnam. Summary Report 2010.
Nếu có góp ý nào cần chia sẻ, hãy gửi thư cho chúng tôi qua email: suckhoecongnghe789@gmail.com nhé. Mọi đóng góp của quý bạn đọc luôn có ý nghĩa quan trọng đối với chúng tôi!
Discussion about this post