Không phải cứ tắm đêm chắc chắn sẽ bị đột quỵ. Tuy nhiên, với nhiều trường hợp ngoài ý muốn đã xảy ra thì đây vẫn là lời cảnh báo cho nhiều người – đặc biệt là người trẻ có thói quen tắm đêm – nguy cơ đột quỵ đang rình rập trong phòng tắm bất cứ lúc nào.
Đột quỵ là gì?
Hiểu đơn giản thì đột quỵ là tình trạng máu lên não bị suy giảm hoặc tắc nghẽn chủ yếu là do sự hình thành các cục máu đông, chèn ép dòng vận chuyển máu lên não, khiến não bị không được cung cấp máu và oxy bị “chết” – mất chức năng.
Đột quỵ là bệnh lý cấp tính, cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao hàng đầu thế giới.Thậm chí nếu may mắn sống sót thì khoảng 90% người bị đột quỵ cũng bị ảnh hưởng sức khỏe trầm trọng, phải gánh chịu những di chứng nặng nề như: liệt nửa người, méo mặt, mờ mắt…
Đột quỵ có thể xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân nhưng ít ai biết rằng thói quen tắm đêm lại có nguy cơ xảy ra đột quỵ. Lí do là gì?
Người có các bệnh lí nền
Phải hiểu chính xác rằng: tắm đêm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ mà nó là nguyên nhân/ chất xúc tác thúc đẩy quá trình phát bệnh. Vì vậy các bệnh nhân bị đột quỵ khi tắm đêm thường mắc một trong các bệnh lý có sẵn như cao huyết áp, tim mạch, mỡ máu cao…Kết hợp với nhiệt độ thay đổi trong phòng tắm khiến các biểu hiện của những bệnh lí này dữ dội hơn và “không kịp trở tay”, dẫn đến đột quỵ.
Sự thay đổi nhiệt độ của cơ thể
Các trường hợp đột quỵ khi tắm thường liên quan đến sự thay đổi nhiệt độ đột ngột của cơ thể. Cụ thể nếu chúng ta đang ở trong môi trường lạnh mà lại tắm nước nóng, sau đó từ trong phòng tắm kín, ấm áp lại bước ra ngoài phòng với nhiệt độ lạnh; hoặc mới vận động cơ thể rất nóng mà tắm nước lạnh. Như thế sẽ dẫn đến tình trạng thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột, dễ bị những phản ứng bất lợi. Đó là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ.
Thay đổi huyết áp
Thay đổi huyết áp diễn ra do cơ thể tiếp xúc với nguồn nhiệt bên ngoài một cách đột ngột như khi đang tắm. Chính vì vậy, người có tiền sử cao huyết áp cần lưu ý, hạn chế tắm vào buổi sáng sớm và đêm khuya, bởi đây là hai thời điểm nguy hiểm trong ngày, nhiệt độ xuống thấp và huyết áp tăng cao. Những thay đổi về huyết áp trong khi tắm rất dễ dẫn đến hiện tượng thiếu máu cục bộ hoặc tắc nghẽn mạch máu, từ đó gây ra đột quỵ.
Dội nước từ đỉnh đầu khi tắm
Việc dội nước từ đỉnh đầu khi tắm xem ra rất quen thuộc và vô hại. Tuy nhiên, việc này là rất nguy hiểm, bởi việc đột ngột xả nước xuống đầu sẽ khiến cơ thể thay đổi nhiệt độ nhanh chóng, tạo áp lực gây vỡ động mạch hoặc các mao mạch. Do vậy, để đề phòng đột quỵ khi tắm, bạn nên thực hiện một cách tuần tự, bắt đầu từ chân và dần dần đi lên một cách nhẹ nhàng.
Nhiệt độ nước
Nước lạnh là nguyên nhân khiến các động mạch co lại, làm giảm lượng máu lưu thông lên não. Việc tiếp xúc nước lạnh đột ngột có thể làm tăng sự căng thẳng cho hệ thần kinh giao cảm, nhiệt độ giảm mạnh và huyết áp tăng cao, từ đó dễ gây ra tình trạng đột quỵ. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên bạn không nên tắm bằng nước lạnh và phải giữ ấm cơ thể sau khi tắm, nhất là vào mùa đông.
Nhiều người hiện nay do tính chất công việc bận rộn nên thường về nhà trễ và buộc phải tắm khuya thường xuyên, đây là một nhịp sinh hoạt không tốt cần phải cố gắng thay đổi. Tuy nhiên, nếu buộc phải tắm đêm thì phải chú ý không nên dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh vì việc này dễ dẫn đến hiện tượng sốc nhiệt, gây ra các bệnh về tim mạch, đặc biệt là sự co mạch dẫn đến tăng huyết áp, đột tử, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Về nguyên tắc, nhiệt độ chênh lệch với thân nhiệt không quá 5 độ C. Đồng thời không nên tắm dưới vòi nước hoặc ngâm nước quá lâu, thông thường nên tắm sao cho thoải mái trong vòng 10 – 15 phút.
Khi vừa bước ra từ buồng tắm không nên nằm quạt hoặc điều hòa. Và nên có người thân xung quanh, nếu thấy có biểu hiện bất thường của cơ thể cần gọi ngay người thân đưa đến bệnh viện kịp thời để tránh trường hợp xấu nhất xảy ra.
Discussion about this post