Các bệnh mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch đều là yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng bệnh lý mạch máu nguy hiểm như tai biến mạch máu não, đột quỵ, nhồi máu cơ tim… Vì vậy, bệnh nhân có thuộc đối tượng rủi ro cao cần có sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe và nhận biết kịp thời các dấu hiệu nguy hiểm có thể xảy ra, đồng thời xây dựng một lối sống phù hợp. Vậy làm thế nào để sống chung an toàn với các nguy cơ gây ra bệnh lý mạch máu?
Mối liên hệ giữa các bệnh lý mãn tính và nguy cơ tai biến, đột quỵ
Nhiều người cho rằng các bệnh lý mãn tính như tiểu đường, huyết áp, tim mạch chỉ là bệnh già, có thể điều trị lâu dài bằng thuốc và không gây nguy hiểm. Thực tế, những bệnh nhân có các bệnh nền mãn tính như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, máu mỡ… đều thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao có khả năng xảy ra đột quỵ, tai biến,…Chẳng hạn, với tiểu đường là nguyên nhân gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn các chức năng nội mạc mạch máu. Khi chức năng nội mạc bị rối loạn các phân tử mỡ dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc hình thành mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch. Bên cạnh đó, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính của tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch và gây tắc mạch cấp tính khiến các cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não. Một ví dụ khác là bệnh cao huyết áp nếu không được kiểm soát tốt sẽ gây gia tăng sức ép lên thành động mạch, lâu dần khiến thành động mạch bị tổn thương dẫn đến xuất huyết não. Ngoài ra, cao huyết áp còn tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành, cản trở quá trình lưu thông máu lên não. Hoặc bệnh lý máu nhiễm mỡ với tình trạng Cholesterol cao có thể tích tụ trên thành động mạch, tạo thành vật cản gây tắc nghẽn mạch máu não.
Hoặc biến chứng từ bệnh tim cũng vô cùng nguy hiểm. Nguyên nhân là do một hoặc nhiều nhánh mạch vành bị tắc nghẽn khiến cho lượng máu nuôi tim bị cắt đứt đột ngột thì một phần tim sẽ bị thiếu oxy, tình trạng này gọi là thiếu máu cơ tim. Thiếu máu cơ tim kéo dài sẽ làm chết mô cơ tim gây ra những cơn đau thắt ngực (có thể xảy ra hàng giờ) chính là dấu hiệu nhận biết của nhồi máu cơ tim. Trường hợp nặng nhất là khi bị tắc nhánh mạch máu nuôi nút tạo nhịp cho tim có thể làm người mắc bệnh tim mạch tử vong ngay lập tức.
Làm thế nào để sống chung an toàn với các nguy cơ bệnh lý mạch máu
Tai biến mạch máu não hay đột quỵ đều là những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay trong khi số người mắc các bệnh mãn tính có nguy cơ liên quan như tim mạch, tiểu đường, huyết áp ngày càng gia tăng, thậm chí là trẻ hóa. Vì vậy, việc trang bị kiến thức để sống chung một cách an toàn với các bệnh mãn tính, đồng thời hạn chế biến chứng thành các bệnh lý mạch máu nguy hiểm là một việc vô cùng quan trọng.
Kiểm soát tốt và điều trị tốt các bệnh nguy cơ
Việc đầu tiên bệnh nhân cần ghi nhớ là tuyệt đối tuân thủ việc điều trị các bệnh lý đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ, bệnh lý tim mạch,… bằng cách đo huyết áp hằng ngày, kiểm soát tốt đường máu, lượng mỡ trong máu… ở mức chỉ số cho phép. Tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc khi thấy bệnh đã ổn định mà không có sự cho phép của bác sĩ vì việc này vô cùng nguy hiểm. Nếu tình trạng bệnh diễn biến phức tạp đột ngột, sẽ dẫn đến các biến chứng không lường trước được. Đồng thời, bệnh nhân nên sắp xếp lịch khám định kỳ để tiến hành các xét nghiệm tổng quát đánh giá các chỉ số quan trọng về lượng đường huyết, huyết áp, mỡ máu… để kịp thời nhận ra các yếu tố bất thường và điều trị kịp thời.Xây dựng lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh bao gồm một chế độ dinh dưỡng hợp lý và khoa học. Không sử dụng các chất kích thích, rượu bia. Chế độ ăn nên có nhiều rau, hoa quả. Hạn chế ăn các thức ăn quá mặn, quá nhiều mỡ động vật.
Bên cạnh đó, tích cực vận động thể dục thể thao với cường độ và tần suất hợp lý, lựa chọn những môn thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe để luyện tập một cách bài bản, hạn chế tình trạng lười vận động dẫn đến béo phì thừa cân.Đồng thời, người bệnh nên chú ý giữ tâm lý và tinh thần tốt, cố gắng giữ thăng bằng tránh tình trạng căng thẳng hoặc làm việc quá sức. Cần nghỉ ngơi và thư giãn tinh thần cũng là một phương pháp tốt để sống chung an toàn với các nguy cơ bệnh lý mạch máu có thể xảy ra.
Với những chia sẻ trên đây của Sức khỏe & Công nghệ, hi vọng độc giả sẽ có cái nhìn chi tiết hơn về mối nguy hiểm của các bệnh lý mạch máu và nguy cơ biến chứng, từ đó có thể chăm sóc sức khỏe một cách cẩn thận nhất.
(©) – Copyrighted CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ CAO DƯỢC NANO-BIO (NABIO PHARMA)
Có thể bạn quan tâm:
Discussion about this post