Sự thờ ơ trước những chuyển biến nghiêm trọng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân chính là nguyên nhân khiến người bệnh trở tay không kịp, thậm chí là tử vong khi bệnh biến chứng nặng. Nếu máu ứ nhiều trong lòng tĩnh mạch hình thành các cục máu đông không xử lý kịp thời sẽ trôi về tim gây thuyên tắc động mạch phổi có thể gây tử vong.
Tìm hiểu về bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Tại Việt Nam số bệnh nhân mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới rơi vào khoảng 5 – 8% ở người trưởng thành. Đây là một bệnh mãn tính mà nhiều người cho rằng chỉ ảnh hưởng đến việc vận động, đi lại chứ không nguy hiểm. Nhưng thực tế, bản chất của suy giãn tĩnh mạch có liên quan đến các bệnh lý mạch máu nghiêm trọng hơn, đặc biệt là hệ tim mạch.
Tĩnh mạch là bộ phận của hệ tuần hoàn, cấu tạo bởi hệ thống van một chiều giúp máu chảy một chiều từ tĩnh mạch tới tim. Suy giãn tĩnh mạch là hiện tượng hệ thống tĩnh mạch ngoại biên giãn ra, nổi trên bề mặt da, hệ thống van xảy ra vấn đề tạo ra áp lực lớn khiến sự lưu thông máu về tim bị rối loạn chảy theo chiều ngược lại. Áp lực này tác động lên tĩnh mạch khiến tĩnh mạch chân nổi lên. Bệnh xuất hiện khi thành tĩnh mạch chân bị suy yếu hoặc hệ thống van một chiều của tĩnh mạch bị tổn thương. Cụ thể, chi dưới chúng ta có 2 loại tĩnh mạch là tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu.
- Tĩnh mạch nông nằm ở dưới da, có thể nhìn thấy. Giãn tĩnh mạch là nói đến tĩnh mạch nông, giãn tĩnh mạch thường có các triệu chứng như: đau phía dưới chỗ bị giãn, chân sưng phù, ngứa, có khi viêm da, nổi gân xanh ngoằn ngoèo.
- Tĩnh mạch sâu nằm ở sâu trong cơ nên không nhìn thấy. Suy tĩnh mạch là nói đến tĩnh mạch sâu, suy tĩnh mạch thường có các triệu chứng như: đau nhức chân; nặng, mỏi chân nhất là về buổi chiều; sưng phù nhất là vùng mắt cá; chuột rút về ban đêm; ngứa, cảm giác kiến bò. Các triệu chứng này sẽ giảm khi nằm nghỉ và gác chân lên cao.
Nguyên nhân gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
Trong cơ thể chúng ta, máu di chuyển trong lòng tĩnh mạch theo chiều từ nông vào sâu và từ dưới lên trên nhờ hệ thống van mở ra khi máu đi về trung tâm, và đóng lại không cho máu chảy ngược. Cơ chế đóng, mở cửa van nhờ lực hút tạo bởi hoạt động của cơ hoành, sức hút của tim, áp lực âm vùng trung thất cùng lực đẩy do hoạt động của hệ thống cơ.
Các yếu tố có thể gây suy giãn tĩnh mạch có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của sự thoái hóa ở tuổi già, tiền sử gia đình bị suy giãn tĩnh mạch, thừa cân, chế độ dinh dưỡng ít chất xơ và vitamin, ít tập thể dục, hút thuốc, đứng quá lâu khiến cho áp lực tĩnh mạch ở chân tăng lên, lâu ngày dẫn đến tổn thương van. Biến chứng nguy hiểm của bệnh suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch thường sẽ tiến triển qua nhiều giai đoạn từ nhẹ đến nghiêm trọng với các triệu chứng như sau;
- Ở giai đoạn đầu, triệu chứng bệnh khá mờ nhạt chỉ với những biểu hiện như đau chân, mỏi chân, chân cảm thấy nặng, phù nhẹ khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều, hay chuột rút vào buổi tối,… nên đa phần mọi người sẽ bỏ qua.
- Ở giai đoạn tiến triển rõ rệt, bệnh nhân sẽ bắt đầu gặp nhiều trở ngại. Chân phù to, có cảm giác mang giày dép chật, bị chàm da ở vùng cẳng chân, màu sắc da thay đổi do máu bị ứ lại ở tĩnh mạch, lâu ngày dẫn đến rối loạn biến dưỡng. Bệnh gây ra cảm giác nặng chân, đau nhức chân, chân bị phù do máu ứ đọng thoát ra ngoài tĩnh mạch. Bên cạnh đó, nếu bệnh nặng hơn sẽ khiến tĩnh mạch nổi phồng lên rõ rệt, ngoằn ngoèo, dãn mạch chân, tạo thành mảng tím bầm trên da.
- Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh mạch giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị, có thể phải cắt cụt chi.
- Nghiêm trọng hơn là cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa biến chứng nặng từ suy giãn tĩnh mạch
Khi có những dấu hiệu nghi ngờ suy giãn tĩnh mạch, việc đầu tiên bạn nên đến các cơ sở y tế chuyên môn để thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán chính xác, đưa ra các phương pháp điều trị kịp thời.
Có 3 phương pháp điều trị chính: Thường dùng nhất là sử dụng băng (hoặc tất) chun nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch, giảm đường kính lòng tĩnh mạch để tăng khả năng lưu thông máu. Cách thứ hai là dùng các thuốc làm vững bền thành mạch, hoặc các thuốc làm xơ hóa lòng mạch, tiêm gây xơ tại chỗ. Phương pháp thứ ba là can thiệp ngoại khoa.
Người bệnh nên hạn chế nguyên nhân gây ra tình trạng trên bằng cách tạo thói quen tập thể dục, thể thao, hãy tập nâng chân và đi bộ sau khi ngồi hoặc đứng lâu.
Các chị em phụ nữ đã có bệnh suy giãn tĩnh mạch nên hạn chế dùng giày cao gót khi không cần thiết, mặc đồ rộng rãi thoải mái không bó sát để giúp máu lưu thông thuận lợi.
Cần tăng cường bổ sung chất xơ ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch từ các loại rau, củ, trái cây,… và chia thành các bữa nhỏ để khả năng hấp thụ được tối đa nhất.
Người làm ở văn phòng không nên bất động khi làm việc lâu quá, nên đi lại khoảng 30 phút/ lần.
Tuyệt đối tuân thủ các phương pháp điều trị của bác sĩ, không tự ý ngưng điều trị để tránh việc bệnh chuyển biến nặng gây nguy hiểm.
Hiện nay, bệnh suy giãn tĩnh mạch càng trở nên phổ biến ngay cả với nhiều người trẻ tuổi chỉ chưa đầy 40. Hi vọng bài viết trên đây của Sức khỏe và công nghệ đã giúp trang bị kiến thức, giúp bệnh nhân có thể hiểu rõ bệnh tình, biết cách chăm sóc bản thân và phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm từ suy giãn tĩnh mạch.
(©) – Copyrighted CÔNG TY TNHH CÔNG NGHỆ CAO DƯỢC NANO-BIO (NABIO PHARMA)
Có thể bạn quan tâm:
- Đừng thờ ơ với những biến chứng từ bệnh lý suy giãn tĩnh mạch
- Tuổi trẻ và sự thờ ơ với sức khỏe
- Bệnh mỡ trong máu có nguy hiểm không?
Discussion about this post