Thoái hóa khớp là nỗi ám ảnh của người cao tuổi vì đây là căn bệnh gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống cũng như có nguy cơ gây tàn phế cao nhất. Mức độ thoái hóa và thời điểm thoái khóa thường bắt đầu khác nhau. Để đối mặt với căn bệnh cần hiểu chính xác về bản chất, nguyên nhân, cách phòng ngừa và điều trị.
Bệnh thoái hóa khớp là gì?
Thoái hóa khớp là bệnh liên quan đến tình trạng lớp sụn khớp và đĩa đệm bị thoái hóa, suy yếu dần kèm theo các triệu chứng như viêm, giảm dịch nhầy bôi trơn tại các khớp. Điều này khiến việc cử động của các khớp cũng bị ảnh hưởng, gây ra các triệu chứng đau và cứng khớp. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 80% bệnh nhân bị thoái hóa khớp bị hạn chế về vận động, 20% bệnh nhân không thể thực hiện các sinh hoạt thường ngày.
Các loại thoái hóa khớp?
- Các khớp trong cơ thề đều có nguy cơ thoái hóa nhưng thường gặp nhất là các bệnh thoái hóa khớp gối, thoái hóa khớp háng, thoái hóa khớp ngón tay và bàn tay, thoái hóa khớp vai, thoái hóa khớp cổ chân, thoái hóa cột sống lưng và cột sống cổ.
- Thoái hóa khớp gối là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học mất cân bằng giữa tổng hợp và hủy hoại của sụn và xương dưới sụn. Từ đó sinh ra các biểu hiện của thoái hóa khớp như thay đổi hình thái, sinh hóa, nứt loét, mất sụn khớp, xơ hóa xương dưới sụn, tạo ra gai xương và hốc xương dưới sụn. Bệnh thoái hóa khớp gối thường gặp ở nữ giới giai đoạn mãn kinh vì sự thay đổi nội tiết.
- Thoái hóa khớp háng: có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên với cảm giác đau sâu bên trong phía trước háng, cũng có thể đau ở bên cạnh hoặc phía trước đùi, ở sau mông và lan xuống đầu gối khiến người bệnh di chuyển khó khăn.
- Thoái hóa cột sống cổ bắt đầu bằng những hiện tượng hư khớp ở các diện đốt sống, đĩa đệm đốt tới các bao hoạt dịch, dây chằng, dần dần về sau xuất hiện hiện tượng thoái hóa các đốt sống, gây đau vùng cổ, nhất là khi vận động vùng cổ.
- Thoái hóa khớp ngón tay và bàn tay: Bệnh thường tác động lên vùng gốc của ngón cái và các khớp ngón tay. Khi mới chớm bệnh các khớp sưng đau, sau đó các khớp khiến ngón tay hình thành các nốt cứng, gồ ghề và cong nhẹ.
- Thoái hóa cột sống thắt lưng là loại tổn thương cột sống thường gặp nhất, đôi khi ảnh hưởng đến thần kinh tọa khiến người bệnh có cảm giác đau rất mạnh từ lưng xuống mặt trong đùi và chân. Giai đoạn khởi phát, bệnh nhân thấy đau nhiều khi mới ngủ dậy và thường diễn ra trong 30 phút. Sau đó, cơn đau sẽ giảm dần nhưng âm ỉ kéo dài cả ngày và thỉnh thoảng sẽ tăng lên khi người bệnh làm việc nhiều, khiêng vác nặng.
Bên cạnh đó còn có những loại thoái hóa khớp khác như thoái hóa bàn chân, gót chân… nhưng tỷ lệ bệnh nhân thấp hơn.
Nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa khớp ở người cao tuổi?
Thoái hóa khớp là quá trình lão hóa tự nhiên mang tính quy luật của tổ chức sụn, các tế bào, tổ chức ở khớp và quanh khớp, đây là quá trình lão hóa tự nhiên xảy ra bên trong cơ thể, tuổi tác càng cao thì tình trạng thoái hóa khớp diễn ra càng nặng. Thông thường, thoái hóa khớp bắt đầu xuất hiện từ sau tuổi 40. Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng lớn, đặc biệt là sau 60 tuổi.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những yếu tố khác là nguyên nhân gây bệnh như:
- Béo phì: Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra người béo phì có nguy cơ bị thoái hóa khớp gối gấp 6 lần bình thường. Nguyên nhân bởi vì khớp gối thường xuyên phải gánh chịu khối lượng lớn vượt ngưỡng thông thường thì lớp sụn sẽ hao mòn và nhanh hư hỏng theo thời gian.
- Vận động quá sức: Nếu còn trẻ phải lao động nặng nhọc thường xuyên thì khi về già, hoạt động của hệ thống cơ xương khớp thường “tuột dốc không phanh” và nhanh chóng phải đối mặt với những cơn đau nhức từ căn bệnh thoái hóa khớp
- Chấn thương: Với người cao tuổi, khả năng phục hồi khớp gối khi gặp chấn thương là rất thấp hoặc không thể, từ đó quá trình thoái hóa khớp xảy ra nhanh hơn.
- Thói quen sinh hoạt sai tư thế: Việc thường xuyên đứng/ ngồi một chỗ quá lâu hoặc ngồi làm việc sai tư thế đều sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống xương khớp.
- Gen di truyền: Theo các nghiên cứu y khoa, thông thường nếu nhiều thế hệ trong gia đình mắc bệnh thoái hóa khớp gối khi về già thì khả năng đứa con cũng sẽ mắc phải tình trạng này. Yếu tố di truyền sẽ có thể khiến bệnh thoái hóa khớp xuất hiện sớm hơn so với độ tuổi mắc bệnh thông thường.
Triệu chứng và ảnh hưởng của bệnh thoái hóa khớp?
- Đau nhức là triệu chứng thường gặp nhất và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh nhất. Các cơn đau sẽ chuyển từ nhẹ, thỉnh thoảng sang dữ dội và kéo dài, đặc biệt còn chịu ảnh hưởng trầm trọng của thời tiết khi trời trở lạnh.
- Cứng khớp: Người bệnh phải đối diện với việc các khớp tê cứng nhất là mỗi buổi sáng khi thức dậy. Nếu không điều trị kịp thời thì hiện tượng cứng khớp sẽ kéo dài dai dẳng, gây ảnh hưởng lớn đến khả năng vận động và đời sống sinh hoạt hàng ngày.
- Khớp bị thoái hóa người bệnh sẽ bị hạn chế một số tư thế vận động như cúi sát đất, quay cổ,…
- Đặc biệt, một triệu chứng dễ nhận thấy ở người bệnh thoái hóa khớp là vì tình trạng sụn và đĩa đệm ở giữa hai đầu xương bị hao mòn, dịch nhầy bôi trơn cũng giảm dần, nên nếu người bệnh di chuyển, các đầu xương sẽ cọ xát vào nhau phát ra tiếng kêu lạo xạo kèm theo đau nhức dữ dội.
- Teo cơ, sưng tấy và biến dạng: Ở những trường hợp thoái hóa khớp nặng và không được can thiệp y khoa đúng cách sẽ gây ra các triệu chứng nguy hiểm hơn như sưng tấy gây biến dạng các khớp bị tổn thương, teo cơ, đầu gối bị lệch khỏi trục,… dĩ nhiên sẽ kéo theo hệ lụy di chuyển khó khăn, thậm chí là tàn phế.
Thoái hóa khớp có điều trị khỏi hẳn được không?
Thoái hóa khớp là tình trạng lão hóa theo quy luật tự nhiên của khớp nên khó có thể chữa khỏi được hoàn toàn. Tuy nhiên, với nền y học hiện đại, nếu điều trị đúng cách sẽ giúp làm chậm quá trình thoái hóa, cải thiện triệu chứng, từ đó giúp người bệnh có cuộc sống gần như bình thường.
Từ những nguyên nhân gây bệnh, có thể cân nhắc những biện pháp như:
- Duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý tránh việc cơ thể gia tăng áp lực lên hệ thống dây chằng và xương khớp, giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Làm việc và vận động đúng tư thế
- Tránh các tác động đột ngột quá mạnh và giữ an toàn tránh để xảy ra chấn thương
- Tăng cường luyện tập thể dục thể thao nhằm tăng cường sự dẻo dai , sự linh hoạt và độ chắc khỏe của xương khớp, ngăn ngừa tình trạng khớp bị co cứng ảnh hưởng đến vận động.
- Lượng đường máu trong cơ thể gây tác động đến chức năng và cấu trúc của sụn, vì vậy cách tốt nhất là hãy kiểm soát lượng đường bên trong máu ở mức hợp lý, không nên để nồng độ đường vượt mức quá cao.
- Một chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho xương và sụn khớp nhằm sẽ thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào, ngăn ngừa và làm chậm quá trình thoái hóa. Nên bổ sung các loại thực phẩm giàu glucosamine, canxi, chondroitin, omega-3, vitamin, chất xơ, chất chống oxy hóa, kháng viêm…
Đặc biệt, nếu bản thân cảm thấy xuất hiện những triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp cần nhanh chóng đến bệnh viện để thực hiện chẩn đoán và được các y bác sĩ can thiệp điều trị kịp thời trước khi bệnh trở nặng và gây ra nhiều biến chứng.
Discussion about this post